Dấu hiệu của bệnh đãng trí ở người già

Hay quên ngay những điều vừa mới nghe hoặc những điều vừa mới dự định làm; quên những từ đơn giản hoặc dùng từ không đúng; khi có biểu hiện này bạn nên lưu ý đi khám.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện sức khỏe tâm thần quốc gia, Alzheimer hay bệnh đãng trí là bệnh thoái hóa và tiến triển của não bộ gây tác hại cho tế bào thần kinh làm thiếu hụt một chất gọi là acetycholine. Sự thiếu hụt chất này làm suy giảm khả năng nhớ, suy nghĩ, giao tiếp và thay đổi hành vi của bệnh nhân.

Đây là một trong những rối loạn nhận thức phổ biến nhất. Ở các nước phát triển tỷ lệ mắc 5-10% ở thập kỷ 70, sau đó tăng lên 25%. Bệnh tăng mạnh theo tuổi, tại Việt Nam cũng đã gặp ở những bệnh nhân dưới 40 tuổi.

dau-hieu-benh-dang-tri

Bệnh đãng trí thường gặp ở người có tuổi, tuy nhiên tại Việt Nam cũng gặp bệnh nhân dưới 40 tuổi. Ảnh: WP.

Triệu chứng của bệnh đãng trí xuất hiện từ từ, được chia thành 3 giai đoạn: sớm, giữa và muộn. Ở giai đoạn sớm, người bệnh có vẻ lo lắng, hay quên và thay đổi hành vi. Bệnh nhân thường phải tìm kiếm từ ngữ khi giao tiếp hoặc không thể nhớ được các sự kiện xảy ra trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn còn nhớ rõ những sự kiện quá khứ đã xảy ra rất lâu.

Bệnh không thể chữa khỏi nhưng nếu bệnh nhân đến viện sớm, được hướng dẫn điều trị thì có thể làm chậm lại quá trình này. Liệu pháp điều trị cho gồm: thuốc, giáo dục và hướng dẫn bệnh nhân thực hiện các hoạt động hàng ngày. Ngoài ra, chế độ ăn cũng có thể làm chậm quá trình suy giảm trí nhớ. Đó là khẩu phần ăn của người Địa Trung Hải gồm nhiều thực phẩm giàu axit béo omega 3 như: cá, thịt gà, salad cũng như các loại thực phẩm giàu chất béo bão hòa, sữa và hạn chế ăn thịt đỏ.

Bên cạnh đó cũng cần phân biệt, hiện nhiều người còn trẻ nhưng đã có biểu hiện hay quên. Đây không phải bệnh Alzheimer mà là do stress, áp lực công việc.

Bác sĩ khuyến cáo, những người từ 50 tuổi trở lên, có ít nhất một trong các triệu chứng sau nên đi khám sàng lọc chứng bệnh hay quên:

– Hay quên ngay những điều vừa mới nghe hoặc những điều vừa mới dự định làm.

– Khó khăn để nhớ thực hiện những việc quen thuộc hàng ngày (vệ sinh cá nhân, ăn uống…).

– Quên những từ đơn giản hoặc dùng từ không đúng.

– Có thể bị lạc ở một nơi đã từng rất quen thuộc, hoặc không thể nhớ phải làm thế nào để đến được nơi đó hoặc từ đó quay trở về nhà.

– Khó nhận biết con số hoặc thực hiện các phép tính đơn giản.

– Quên vị trí đồ vật vẫn thường để chỗ quen thuộc.

– Tâm trạng, khí sắc dễ thay đổi.