Bạn có việc gần đến hạn phải hoàn thành. Tuy nhiên, thay vì tập trung vào nó, bạn lại loay hoay với những việc vô bổ như kiểm tra email, lướt mạng xã hội, xem video, lướt blog… Bạn biết rằng mình nên làm việc, nhưng bạn lại không có cảm hứng để làm chút nào.
Chúng ta đều đã quen thuộc với hiện tượng trì hoãn công việc. Khi chúng ta trì hoãn, chúng ta lãng phí thời gian của mình và gác lại những công việc quan trọng cho đến khi đã quá muộn. Khi sắp chạm deadline, chúng ta mới hoảng sợ và ước rằng mình bắt đầu sớm hơn.
Những người có thói quen trì hoãn lâu năm mà tôi biết đã lãng phí nhiều năm cuộc đời chỉ để lặp đi lặp lại chu kỳ này. Trì hoãn, bỏ dở mọi việc, sao lãng, trốn việc, chỉ đối mặt với công việc khi không thể tránh khỏi. Cứ như thế, vòng lặp này diễn ra hết lần này đến lần khác. Đó là một thói quen xấu sẽ hủy hoại và khiến chúng ta không thể đạt được kết quả tốt hơn trong cuộc sống.
Đừng để sự trì hoãn kiểm soát cuộc sống của bạn. Dưới đây là chia sẻ của tôi về những bước cơ bản dựa trên kinh nghiệm cá nhân nhằm loại bỏ sự trì hoãn. 11 bước này chắc chắn cũng có thể giúp ích bạn:
1. Chia công việc thành những bước nhỏ
Một phần lý do chúng ta trì hoãn công việc là vì trong tiềm thức, chúng ta cho rằng khối lượng công việc đó quá nhiều. Hãy chia việc thành nhiều phần nhỏ, sau đó chỉ tập trung vào một phần tại một thời điểm nhất định. Nếu bạn vẫn trì hoãn việc sau khi đã chia nhỏ, hãy chia nó thành nhiều phần nhỏ hơn. Rồi sẽ đến một lúc, việc của bạn sẽ trở nên rất đơn giản và bạn sẽ nghĩ rằng “Ôi, việc này dễ quá nên mình có thể làm nó ngay bây giờ!”
Ví dụ: Gần đây tôi đang viết một quyển sách mới (Tạm dịch: Cách để đạt được mọi thứ trong cuộc sống). Việc viết sách thật sự là một dự án lớn và gây choáng ngợp. Tuy nhiên, khi tôi chia nó các bước nhỏ như là:
- (1) Nghiên cứu
- (2) Chọn chủ đề
- (3) Viết dàn ý
- (4) Phác thảo nội dung
- (5) Viết từng chương từ #1 đến #10
- (6) Đọc lại
- (7) vân vân…
Khi đó, công việc tự nhiên sẽ trở nên dễ quản lý hơn. Việc tôi cần làm tiếp theo là tập trung vào phần cấp thiết trước và hoàn thành nó một cách tốt nhất có thể, không cần nghĩ ngợi về những phần khác. Khi đã xong phần đầu tiên, tôi sẽ chuyển đến phần tiếp theo.
2. Thay đổi môi trường làm việc
Mỗi môi trường sẽ có những ảnh hưởng khác nhau đến năng suất làm việc của chúng ta. Hãy xem lại bàn làm việc và căn phòng của mình. Liệu chúng có đang làm bạn thấy muốn làm việc hay ngược lại, làm bạn cảm giác chỉ muốn nằm ngay ra và ngủ thôi?
Một điều cần lưu ý là nơi làm việc mà trước kia giúp truyền cho ta cảm hứng làm việc có thể sẽ mất đi hiệu quả sau một khoảng thời gian nhất định. Nếu bạn gặp phải trường hợp đó, hãy thay đổi các đồ vật xung quanh.
3. Tạo một thời gian biểu chi tiết với những hạn chót cụ thể
Chỉ có một hạn chót duy nhất rất dễ làm bạn trì hoãn. Lý do là vì chúng ta đã có ấn tượng rằng mình có thời gian nên sẽ không làm gì cho tới khi quá trễ.
Chia nhỏ dự án của bạn (xem cách 1), sau đó tạo một thời gian biểu chung với những hạn chót cụ thể cho từng việc nhỏ. Bằng cách này, bạn biết rằng mình sẽ phải hoàn thành mỗi việc trước một ngày cụ thể nào đó. Thời gian biểu của bạn cũng cần phải chặt chẽ. Nói cách khác, nếu bạn không hoàn thành nó trước ngày hôm nay, nó sẽ gây ảnh hưởng tới mọi thứ khác mà bạn đã lên kế hoặc trước đó. Cách này sẽ giúp tạo cho bạn sự cấp thiết buộc bạn phải hành động.
Những mục tiêu của tôi được chia nhỏ thành từng tháng, từng tuần, ngay dưới danh sách những việc cần làm hằng ngày, và nó chính là một lời kêu gọi hành động rằng tôi phải đạt được điều này trước ngày cụ thể, nếu không thì những mục tiêu của tôi sẽ bị trì hoãn.
4. Loại bỏ các “điểm dừng” cám dỗ
Nếu bạn thường xuyên trì hoãn trong khi đang làm việc, có lẽ bởi vì bạn hay bị xao nhãng bởi những “điểm dừng”: những thú vui, thông báo hay công việc khác.
Hãy xác định các dấu trang trình duyệt chiếm nhiều thời gian của bạn và chuyển chúng vào một thư mục riêng ít truy cập hơn. Hãy tắt tùy chọn thông báo tự động trong ứng dụng email của bạn. Hãy nhìn xung quanh và loại bỏ những thứ khiến bạn mất tập trung.
Tôi biết một số người sẽ bỏ qua và xóa hoặc hủy kích hoạt tài khoản Facebook của họ. Tôi nghĩ điều đó hơi quyết liệt và cực đoan vì giải quyết sự trì hoãn thiên về ý thức hành động của chúng ta, hơn là việc chống lại nó thông qua các phương pháp tự ràng buộc, nhưng nếu bạn cảm thấy đó là điều cần thiết, hãy cứ làm.
5. Dành thời gian với những người có thể truyền cảm hứng cho bạn hành động
Tôi khá chắc rằng nếu bạn chỉ dành 10 phút để nói chuyện với Steve Jobs hoặc Bill Gates, bạn sẽ có nhiều cảm hứng để hành động hơn là lãng phí 10 phút không làm gì cả. Những người mà chúng ta tiếp xúc sẽ có ảnh hưởng nhất định đến hành vi của chúng ta. Tất nhiên là việc dành thời gian với Steve Jobs hay Bill Gates mỗi ngày có lẽ không phải là một phương pháp khả thi, nhưng nguyên tắc này sẽ có hiệu quả.
Hãy xác định những người cụ thể, bạn bè hoặc đồng nghiệp, những người có thể truyền động lực cho bạn- phần lớn sẽ là những người ham học hỏi và lao động chăm chỉ – và dành thời gian với họ thường xuyên hơn. Chẳng bao lâu bạn sẽ thấm sâu động lực và tinh thần của họ.
Là một blogger phát triển cá nhân, tôi “đi chơi” với các chuyên gia phát triển cá nhân đầy cảm hứng bằng cách đọc blog của họ và thường xuyên trao đổi với họ qua email và mạng xã hội. Đó là cách giao tiếp thông qua phương tiện mới và nó có hiệu quả như nhau.
6. Tìm một người bạn thân
Có một người bạn đồng hành sẽ khiến toàn bộ quá trình trở nên vui hơn rất nhiều. Tốt nhất, người bạn đó nên là người có mục tiêu riêng. Cả hai bạn sẽ có trách nhiệm với các mục tiêu và kế hoạch của nhau. Mặc dù hai bạn không nhất thiết phải có cùng mục tiêu, nhưng nếu như vậy thì lại càng tốt vì các bạn sẽ có thể học hỏi lẫn nhau.
Tôi có một người bạn tốt mà tôi thường hay trò chuyện cùng, và chúng tôi luôn hỏi nhau về những mục tiêu và tiến độ của việc chinh phục chúng như thế nào. Không cần phải bàn cãi gì nữa, điều đó thật sự thúc đẩy chúng tôi tiếp tục cố gắng.
7. Kể với người khác về những mục tiêu của bạn
Điều này có chức năng tương tự như điều số 6, nhưng ở phạm vi lớn hơn. Hãy cho tất cả bạn bè, đồng nghiệp, người quen và gia đình biết về các dự án của bạn. Giờ đây, bất cứ khi nào bạn nhìn thấy họ, họ sẽ nhất định hỏi bạn về tiến độ của các dự án đó.
Ví dụ: đôi khi tôi thông báo các dự án của mình trên blog The Personal Excellence, Twitter và Facebook, và độc giả của tôi sẽ hỏi về chúng liên tục. Đó là một cách tuyệt vời để khiến bản thân có trách nhiệm với kế hoạch của mình.
8. Tìm kiếm người đã đạt được kết quả thành công
Bạn muốn đạt được điều gì ở đây và ai là người đã đạt được nó trước bạn? Hãy tìm kiếm và kết nối với họ. Việc gặp những nhân chứng sống để biết rằng mục tiêu của bạn sẽ có thể đạt được nếu bạn cố gắng là một trong những động lực tốt nhất.
9. Làm rõ lại mục tiêu của bạn
Nếu bạn đã trì hoãn trong một khoảng thời gian dài, điều đó có thể phản ánh sự mâu thuẫn giữa những gì bạn muốn và những gì bạn đang làm. Thông thường, chúng ta hoàn thành mục tiêu khi chúng ta khám phá thêm về bản thân, nhưng chúng ta không thay đổi mục tiêu của mình để phản ánh điều đó.
Hãy tạm rời xa công việc của bạn (một kỳ nghỉ ngắn cũng tốt, nếu không thì chỉ cần nghỉ ngơi cuối tuần hoặc ở nhà thôi cũng được) và dành chút thời gian để xem lại bản thân. Chính xác thì bạn muốn đạt được điều gì? Bạn nên làm gì để đạt được điều đó? Các bước cần thực hiện là gì? Công việc hiện tại của bạn có phù hợp với điều đó không? Nếu không, bạn có thể làm gì với nó?
10. Đừng làm những điều quá phức tạp
Bạn có đang chờ đợi một thời điểm hoàn hảo để làm điều này không? Hay bây giờ có lẽ không phải là thời điểm tốt nhất vì lý do X, Y, Z? Hãy loại bỏ suy nghĩ đó ngay vì không bao giờ có thời điểm hoàn hảo cả. Nếu bạn cứ chờ đợi, bạn sẽ không bao giờ hoàn thành bất cứ điều gì.
Chủ nghĩa hoàn hảo là một trong những lý do lớn nhất dẫn đến sự trì hoãn.
11. Cứ bình tĩnh và bắt tay vào làm thôi
Cuối cùng, việc quan trọng nhất là bạn phải hành động. Bạn có thể thực hiện tất cả các chiến lược, lập kế hoạch và đưa ra giả thuyết, nhưng nếu bạn không hành động, sẽ không kết quả gì cả. Thỉnh thoảng, tôi nhận được những lời phàn nàn của độc giả và khách hàng về những tình huống của họ nhưng họ vẫn từ chối hành động vào cuối ngày.
Từ thực tế:
Trước đây, tôi chưa bao giờ nghe thấy ai trì hoãn con đường đến với thành công của họ nhưng tôi quan ngại rằng nó sẽ thay đổi trong tương lai gần. Dù việc bạn đang trì hoãn là gì đi nữa nhưng nếu bạn muốn hoàn thành nó, bạn cần phải bình tĩnh và chuyên tâm thực hiện nó.
Dịch Giả: Trần Thụy Đoan Trang – Nguồn: ToMo – Learn Something New